Dấu ấn và di sản văn nghệ Văn_Cao

Trong lĩnh vực âm nhạc, Văn Cao là người có công khai phá và giúp hoàn thiện một số thể loại của tân nhạc Việt Nam như nhạc trữ tình (nhạc tiền chiến),[37] hùng ca (nhạc cách mạng, nhạc kháng chiến),[38]trường ca.[39] Trong lĩnh vực thi ca, ông cũng là một trong ít người không ngừng đi tiên phong với những cách tân mang tính đột phá-sáng tạo trong thơ Việt Nam hiện đại.[40][41][42] Đã có những quan điểm chuyên môn xem ông là một trong những người đi khai phá, mở đầu cho sự phát triển của thể loại trường ca thơ hiện đại Việt Nam, đặc biệt kể từ nửa cuối thập niên 1950 trở đi.[43][44][45][46][47] Tuy nhiên, những đóng góp của ông cho thơ ca và hội họa[3][48][49] dân tộc ít khi được nhắc tới so với những cống hiến to lớn về âm nhạc của ông. Văn Cao được xem là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử phát triển của văn hóa Việt Nam – một con người mà sự kết hợp nhạc-họa-thơ là xuyên suốt trong gần như toàn bộ những sáng tác đa dạng của ông. Trong địa hạt âm nhạc của ông, ngoài những nét đẹp về giai điệu, ca từ cũng mang nhiều tính thơ và họa. Còn trong địa hạt thơ của ông, họa tính là rất đặc trưng.[50] Ở Văn Cao, tầm vóc không phải là thứ lượng hóa, tức là tính bằng con số những sáng tác. Bởi xét về số lượng, những sáng tác của Văn Cao (đặc biệt trong lĩnh vực nhạc và thơ) còn ít hơn đáng kể ngay cả so với nhiều nhạc sĩ hoặc thi sĩ ở tầm trung tại Việt Nam. Đánh giá Văn Cao cần nhìn xuyên suốt tư tưởng của ông trong cả ba lĩnh vực là nhạc-họa-thơ. Xét về nhiều phương diện, Văn Cao là mẫu người phản ví dụ điển hình trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Nói là phản ví dụ bởi lịch sử Việt Nam ít hoặc không có khuynh hướng tạo ra những mẫu người cổ xúy mạnh cho tinh thần dám khai phá sáng tạo như ông. Mẫu người trí thức hoặc nghệ sĩ điển hình trong xã hội Việt Nam (từ chế độ phong kiến, tới phong kiến nửa thực dân, rồi thời phân chia quốc cộng) thường là con người biết nương theo hoàn cảnh, biết tận tụy phục vụ chế độ chính trị anh ta đang sống. Văn Cao chưa bao giờ nuôi tham vọng chính trị quá mức của một người yêu nước thông thường, tuy nhiên ông luôn là người cổ súy mạnh cho tinh thần độc lập-sáng tạo trong tư duy của người nghệ sĩ. Đây có thể xem là một đặc tính ít mang ảnh hưởng phương Đông hơn cả trong con người của Văn Cao. Có thể nó có ảnh hưởng ít nhiều từ văn hóa phương Tây, cái mà ông có thể tiếp nhận ở mức độ nhất định trong hệ thống giáo dục thuộc địa của Pháp. Mặc dù là đôi bạn văn nghệ tri kỷ, nhưng về nhiều phương diện Văn Cao trái ngược với Phạm Duy. Văn Cao là người đi tiên phong, đặt nền móng, gợi mở nhiều hướng phát triển mới cho nhạc và thơ Việt hiện đại nhưng ông chưa bao giờ thực sự thăng hoa về mặt lượng (so với sự dồi dào về mặt chất) ở cả hai lĩnh vực. Còn Phạm Duy là người kế thừa nhiều khai phá từ Văn Cao và phát triển chúng đến độ phì nhiêu.

Văn Cao đã được nhiều người coi là một trong những danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam thời hiện đại.[51][52][53] Là một bậc thầy của nghệ thuật sử dụng ngôn từ phong phú và biến hóa trong các sáng tác nhạc và thơ của ông, cống hiến của Văn Cao cho riêng tiếng Việt - với tư cách một ngôn ngữ có khả năng chuyên chở đầy đủ những sắc thái cảm xúc và tư tưởng của người nghệ sĩ - đã thậm chí được so sánh với cống hiến của Nguyễn Du cho riêng ngôn ngữ thi ca dân tộc. Là người tài hoa được thừa nhận trên nhiều lĩnh vực như nhạc-họa-thơ[54] nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao cũng được xem là một điển hình của định mệnh "tài"[55] và "tai"[56] trong lịch sử văn hóa của Việt Nam. Ông không có những quãng thời gian đủ dài và suôn sẻ trong sáng tạo nghệ thuật so với những tên tuổi như Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn bởi bối cảnh chính trị, văn hóa đặc thù của miền Bắc so với miền Nam Việt Nam những năm chiến tranh chia cắt. Đánh giá về Văn Cao, trong nhiều bài viết các tác giả không ngần ngại gắn cho ông mỹ từ thiên tài, trong đó có Phạm Duy (2007), Thụy Khuê (2010), Đỗ Ngọc Thạch (2013), hay Trần Mạnh Hảo (2013). Đây mặc định có thể xem là đánh giá ở mức độ cao nhất đối với bất cứ ai hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam. Trong văn học nghệ thuật của dân tộc, trước Văn Cao có lẽ chỉ có Nguyễn Du trong thi ca là thường được gắn với mỹ từ thiên tài nhiều hơn cả. Việc Phạm Duy dùng mỹ từ đó cũng cho thấy sự trân trọng ông dành cho Văn Cao lớn thế nào, bởi Phạm Duy với lòng tự tôn của một cây đại thụ hàng đầu tân nhạc Việt không phải người dễ dãi trong đánh giá thành tựu của đồng nghiệp. Với những kiến thức phong phú về nhạc lý và văn hóa dân tộc, Phạm Duy hơn ai hết có đầy đủ thẩm quyền đánh giá về tài năng của Văn Cao.

Nhận xét

Về cuộc đời và sự nghiệp

Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều. (...) Hình như Văn Cao có đi học vẽ ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật như tôi, nhưng chắc chắn anh đã được hoạ sĩ Lưu Văn Sìn dắt vào hội hoạ. Văn Cao vẽ rất giỏi. Tôi giữ được bức tranh tự hoạ của Văn Cao, tranh sơn dầu vẽ trên bìa cứng cho tới ngày Pháp đánh Saigon vào năm 1945 thì mất, tiếc quá! Văn Cao làm thơ cũng rất hay. Vào năm 1941 mà anh đã có những câu thơ nghe như thơ Huy Cận (...) Chưa gặp Văn Cao nhưng tôi đã biết tài soạn nhạc qua mấy bài nhạc hùng của anh rồi...
— Phạm Duy[24]
Văn Cao nhập cuộc không phải bằng tài năng đơn độc mà bằng một thác lũ nghệ thuật, chùm lấp vòm trời Kinh đô Văn nghệ. Từng bước khoảng khoát, Văn Cao hiên ngang đi vào lòng Mẹ Việt Nam và được tiếp nhận nồng hậu. (...) Ở Văn Cao, mỗi lời thơ là một hạt ngọc, mỗi tiếng nhạc là mỗi sợi tơ, mỗi màu sắc là một vùng hào quang diễm lệ. Sự vượt lên của Văn Cao trong một thành phố đục lầm cát bụi, trong tiếng khua rộn ràng của những sợi dây xích sắt khổng lồ trong tiếng nấc nghẹn ngào không thoát khỏi cổ họng, được coi như cố gắng phi thường của một tâm hồn sung mãn. Đối nghịch đã làm cho Văn Cao trở thành con người có phong cách riêng biệt.
— Tạ Tỵ[25]
Nguồn của dòng sông mang tên Văn Cao là tâm hồn phong phú của nhà nghệ sĩ tài ba, trong lãnh vực âm nhạc cũng như thi ca. Sau khi ra khỏi vùng lưu vực hoang vu của tiềm thức, dòng sông tẻ ra ba nhánh trôi miên man trong huyền ảo của khói trắng sương mù.
— Trần Văn Nam[57]
Chắc hẳn một nghệ sĩ như Văn Cao chưa hề được thẩm định một cách xứng đáng về hội họa và thơ. Chỉ một câu thơ như: Có lúc / nước mắt không thể chảy ra ngoài được đã là cả một ám ảnh đọng lại mãi trong lòng người. Tôi cảm thấy, ít nhất, những người thuộc thế hệ chúng tôi còn mắc nợ với một thiên tài của đất nước như Văn Cao.
— Đặng Anh Đào[11]
Cuộc đời 72 năm của Văn Cao gắn bó trọn vẹn với Việt Nam thế kỷ XX nhiều biến động, để lại cho thế hệ sau không ít câu hỏi không dễ trả lời. Câu hỏi rộn ràng về cống hiến nhọc nhằn, câu hỏi cồn cào về thế sự ngổn ngang, về mệnh kiếp lênh đênh. Một Văn Cao đa tài không thể che chở một Văn Cao lận đận. Một Văn Cao danh vọng không thể bênh vực một Văn Cao cay đắng. Một Văn Cao hào hoa không thể an ủi một Văn Cao cô độc.
— Lê Thiếu Nhơn[58]
Văn Cao sáng tác Buồn tàn thu năm 1939, lúc mới có 16 tuổi, Thiên Thai (năm 1940), Trương Chi, Thu cô liêu, Bến xuân, Suối mơ (năm 1941)… Thiên tài âm nhạc Văn Cao đã phát lộ vào tuổi đôi mươi mơ mộng. Và đến những bản hùng ca chứa đựng hào khí dân tộc trong những ngày đầu độc lập và toàn quốc kháng chiến: Bắc Sơn, Làng tôi, Ngày mùa, Trường ca sông Lô… và đỉnh cao là Tiến quân ca, sau này trở thành Quốc ca. Những thành công lớn đó của Văn Cao trong âm nhạc đã nhanh chóng đưa Văn Cao đến đỉnh vinh quang và trong ý niệm của công chúng ông là một thiên tài âm nhạc. Điều đó phần nào đã che lấp đi một Văn Cao khác – Văn Cao thi sĩ và Văn Cao họa sĩ.
— Đỗ Ngọc Thạch[59]
Ở Việt Nam, trường hợp tiêu biểu cho sự song hành ba tài năng trong một con người là Văn Cao. Ông là nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ. Nhiều đồng nghiệp đã gọi ông là “nghệ sĩ trên nghệ sĩ”. Những ca khúc bất hủ của Văn Cao đã nằm lòng nhiều lứa tuổi từ trước Cách mạng tháng Tám đến bây giờ. Tất cả những nhạc phẩm, ông đều phổ từ thơ của ông hoặc tự viết ca từ cho ca khúc của mình. Điều đặc biệt là, những bài thơ, những ca từ ông viết ra đều mang màu sắc hội họa, bởi ngoài tài danh văn chương và âm nhạc, ông còn là một họa sĩ đích thực. Từ những năm 1943–1945, những bức sơn dầu, bột màu của ông đã được đánh giá cao trong triển lãm mĩ thuật. Hiện nay một số tranh của ông vẫn được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
— Nguyễn Thị Ngọc Hà[60]
Giấc mơ một đời người đến từ giấc mơ của nhạc sĩ Văn Cao khi tôi nghe ông kể về giấc mơ được biểu diễn một đêm nhạc ở Nhà hát lớn Hà Nội. Sau đó tôi suy nghĩ hoài, một người như ông không được một đêm nhạc như vậy thì quá tội! Tôi nghĩ về ước mơ đó và đặt tựa Giấc mơ một đời người. Phim bắt đầu bằng cảnh ông mơ giấc mơ một đêm nhạc ở nhà hát nhưng giật mình lại chỉ còn một mình ông. Còn với Văn Cao - Buổi sáng có trong sự thật đến từ buổi tôi cà phê bên hồ Hoàn Kiếm ngay sáng sau ngày nhạc sĩ Văn Cao mất. Đó là buổi sáng mùa hè nhưng mưa lắc rắc. Tôi nhớ đến bài thơ Năm buổi sáng không có trong sự thật của Văn Cao và tôi làm phim bắt đầu từ bài thơ, từ sự thật là ông đã mất thật và cơn mưa là có thật. (...) Ông không phải cô đơn với thời cuộc mà cô đơn với cuộc đời; lúc nào ông cũng lặng lẽ, sống tự tại, gần như ngồi một chỗ và mọi thứ cứ trôi đi. Ông là người cô đơn giữa cuộc đời này nhưng có lẽ chính sự cô đơn đó làm ông vĩ đại.
— Đạo diễn Đinh Anh Dũng, tác giả 2 phim tư liệu ca nhạc về Văn Cao, Giấc mơ một đời người (1992) và Buổi sáng có trong sự thật (1995).[61]

Về nhân cách

Văn Cao là mẫu người đặc biệt. Với vóc dáng nhỏ nhắn. Với nụ cười lắng chìm không thành tiếng. Với hàm răng ngắn, đều. Với đôi mắt lạnh lùng dễ sợ lúc giận dữ, và dịu hiền khi tâm hồn chìm du vào dòng suy tưởng. (...) Chưa ai nghĩ tới và tưởng tượng nổi một Văn Cao trước những đối nghịch lớn, chứa đựng cái vóc dáng khiêm nhượng ấy. Người ta có thể cho là huyền thoại khi nói về một Văn Cao vẽ giấy bạc giả để chi dùng trong khi hoạt động túng thiếu, đến lúc hành vi bị lộ, đã rút súng Colt 45 chĩa vào những người có mặt, bắt họ giữ nguyên vị trí, để mình rút lui, rồi sau ngày 19-8, mang giấy bạc thật đến hoàn lại số tiền đã trả bằng bạc giả với đôi lời xin lỗi. Cũng như ít ai biết tác giả Thiên Thai, Trương Chi ở tổ chức ám sát nội thành Hà Nội dưới thời Nhật. Bị hoàn cảnh xã hội lúc đó đẩy vào con đường nghẽn, Văn Cao phải lao tìm một lối sống đặc biệt. (...) Dù sao, Văn Cao vẫn hiện diện trong tôi với hình dáng của một tinh cầu giá lạnh, với cô đơn dằng dặc ở cuối khung trời ngăn cách.
— Tạ Tỵ[25]
Văn Cao thường xuyên tổ chức những khóa huấn luyện ngắn ngày cho đồng đội của mình về võ thuật, sử dụng vũ khí và kỹ năng hóa trang... (Văn Cao học võ từ năm 9 tuổi. Thời trai trẻ ở Hải Phòng, Văn Cao đã nhiều lần lên võ đài thi đấu và biểu diễn võ thuật)... Với Văn Cao việc phải trừ khử một người là điều ông không hề muốn. Nhưng vì nhiệm vụ cách mạng, vì sự sống của muôn người nên bắt buộc ông phải ra tay tiêu diệt những tên Việt gian ngoan cố. Ta có thể hiểu ông qua những câu thơ ông để lại: "Giữa sự sống và cái chết/ Tôi chọn sự sống/ Để bảo vệ sự sống/ Tôi chọn sự chết". Trong Văn Cao có hai con người. Con người của nghệ thuật và con người làm cách mạng. Nhiều người muốn tìm hiểu phần con người thứ hai của ông. Nhất là những sự kiện mọi người gọi là "thành tích phi thường" ông đã làm trong thời gian phụ trách Đội trừ gian. Ông thường né tránh và ít khi nhắc đến. Có lần ông tâm sự với tôi: "…Bố đã từng giết một con người… Ông ta nhìn vào họng súng, nhìn bố với đôi mắt ngơ ngác như muốn hỏi - Sao lại giết tôi. Cho đến giờ, bố vẫn bị ám ảnh vì đôi mắt ấy…"
— Họa sĩ Văn Thao, con trưởng của Văn Cao[8]
Khi ông còn sống, người ta rất dè dặt viết và đánh giá về ông. Đó phải chăng là số mệnh của những bậc văn nhân? Sau ngày ông mất mọi người mới thực sự bàng hoàng nhắc và viết về ông. Có người ca ngợi, tung hô ông hết lời. Tôi tìm được và cảm nhận được đâu là tình cảm chân thực dành cho ông, đâu là những điều giả dối được che giấu đằng sau những câu chữ rất hoa mỹ sáo mòn (để làm gì nhỉ?). Và tôi nhớ lại, có một lần tôi hỏi ông: “Sao bố không viết hồi ký?”. Ông im lặng một lát rồi mới nói: “Với bố, phải ngồi lại để viết hồi ký có nghĩa là cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của mình đã chấm hết...”
— Họa sĩ Văn Thao, con cả của Văn Cao[62]
Con viết cho bố không cẩn thận sẽ trở thành chuyện “mẹ hát con khen hay”. Nhưng đối với Văn Cao đâu cần phải khen ngợi, ca tụng ông ấy làm gì nữa. Ông ấy là Văn Cao! Và thế đã là quá đủ, phải không? (...) Khoảng thời gian 30 năm (1956-1986) là những năm tháng cam go và buồn nhất trong cuộc đời ông. Ông nhẫn nhịn, chịu đựng một cách kiên cường. Ông tin những gì ông đã làm là đúng, con đường ông đã chọn đã đi là đúng. Và ông đã đúng. Tôi yêu quý ông, đồng cảm được cùng ông và ngưỡng vọng một nhân cách lớn nơi ông. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm viết lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của ông. Ông là một tài năng lớn của nền văn học nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX.
— Họa sĩ Văn Thao, con cả của Văn Cao[62]
Là con lớn trong nhà nên tôi thường phải giúp mẹ tôi quán xuyến công việc bếp núc trong gia đình ngay từ khi mới lớn. Cha tôi hay có khách nên thường chỉ bảo tôi nấu một số món ngon cho bạn của ông uống rượu. Tôi cũng lấy làm lạ, vì không ngờ một người như ông lại có tài nấu ăn như thế... Nhìn ông chế biến các món ăn một cách thành thục như một đầu bếp thực thụ, tôi vô cùng ngạc nhiên và khâm phục. Những lúc như thế, hình bóng của một người nhạc sĩ không còn hiện diện, tôi chỉ còn thấy hình ảnh của một người cha thân yêu đang hết lòng chăm chút nấu những món ăn ngon cho một đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn, trong hoàn cảnh bao cấp thiếu thốn "ăn còn chưa đủ no, lấy đâu ra mà dám đòi ăn ngon". Có lần tôi hỏi ông: "Làm thế nào mà bố lại biết nấu nhiều món ăn ngon thế?". Trầm ngâm một lát, ông mới thủng thẳng nói: "Ai chẳng thích ăn ngon! Nhưng để nấu cho ngon thì không phải ai cũng nấu được... Vì thích ăn ngon nên những khi có điều kiện để mời bạn đến uống rượu là bố phải "lăn vào bếp". Nhìn mọi người ăn ngon miệng là bố thấy vui... Nấu ăn cũng là một nghề đầy tính nghệ thuật.
— Họa sĩ Văn Thao, con cả của Văn Cao[26]
...Ông là một người tài hoa – cầm, kỳ, thi họa đều giỏi cả, nhưng sống lặng lẽ, khiêm nhường; dù có bị oan ức, thiệt thòi vẫn im lặng chịu đựng và chứng minh mình trong sạch, mình yêu đất, yêu thương giống nòi. Ông cống hiến hết mình nhưng không đòi hỏi điều gì cả. (...) Là một nghệ sĩ tài hoa, được rất nhiều phụ nữ xinh đẹp mến mộ, nhưng suốt đời ông chỉ có một mối tình với người bạn đời của mình là bà Nghiêm Thúy Băng. Ông là một người cha nghiêm khắc và đầy trách nhiệm đối với 5 người con của mình. (...) Sinh thời ông gặp nhiều trắc trở trong con đường công danh sự nghiệp, vì bị đồng chí, đồng nghiệp ganh ghét, đố kỵ hay đơn giản là không hiểu tầm cao tư tưởng và tính nhân văn trong những sáng tác của ông; song, ông không kêu ca, oán thán gì cả.
— Hồ Bất Khuất[52]

Trong âm nhạc

Bên cạnh Hoàng Quý, tại Hải Phòng, còn có thêm các ca nhạc sĩ tài tử thuộc loại tiền phong như Phạm Ngữ, Canh Thân, Hoàng Phú (em của tác giả Cô Láng Giềng) nhưng trong chặng đầu của Tân nhạc này, họ chưa làm quen với quần chúng qua các bản nhạc tình. Họ là những ngôi sao trong xu hướng nhạc vui khoẻ, đa số nhắm vào tình tự quê hương mà tôi sẽ nói tới trong bài tới. Chỉ qua tới thời kỳ sau, thời kỳ khởi đầu cho sự phát triển âm nhạc mới, người ta mới được thưởng thức một câu chuyện ái tình rất ư lãng mạn qua một ca khúc tuyệt diệu là Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa của Hoàng Phú sau khi ông đổi tên là Tô Vũ. Nhưng ở Hải Phòng, đã có Văn Cao! Ðã có Văn Cao trong nhóm Đồng Vọng (của Hoàng Quý và bạn bè) với ít nhiều bản nhạc vui khoẻ, nhưng ở đây, chúng ta đang đả động tới nhạc tình. Và nói tới nhạc tình thì... Văn Cao là nhất!
— Phạm Duy[24]
Văn Cao đã đưa nhạc tình 1943-44 vượt khỏi những khuôn sáo cũ mèm.
— Phạm Duy[24]
Phải đợi cho tới khi Tân nhạc ra đời vào những năm cuối 30 và đầu 40 thì chúng ta mới có được một loại nhạc tình lãng mạn do các người tình tiền phong của thời đại như Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Lê Thương, Văn Chung, Dzoãn Mẫn…tung ra (…) Tuy nhiên, loại nhạc tình lãng mạn đó chỉ có thể được gọi là đạt tới độ hoàn mỹ khi nó được phát xuất ra từ một con người tài hoa bật nhất của thế giới nghệ sĩ trẻ lúc bấy giờ. Người đó là Văn Cao.
— Phạm Duy[63]
Người Sông Ngự/Văn Cao đã thú nhận rằng mình bị ảnh hưởng sông nước của hai truyện Đào Nguyên, Thiên Thai cho nên đã soạn ra một bài hát. Một bài hát, theo tôi thật là tuyệt diệu! Nó vừa có tính chất trường ca, vừa có tính chất nhạc cảnh. Nếu hình thức ca khúc trong Tân nhạc Việt Nam cho tới năm 1944 này vẫn còn nằm trong khuôn khổ một đoản khúc được ước định trong một số khuôn nhạc nào đó, với một lối chuyển cung, chuyển điệu công thức nào đó… thì Thiên Thai của Văn Cao đã vươn lên một thức rất lớn, chia ra nhiều đoạn, nhiều cảnh, gồm tới con số chín mươi bốn khuôn nhạc, chan chứa những giai điệu thần tiên và những lời ca thần diệu.
— Phạm Duy[24]
Nếu đem so sánh với những bản nhạc tình của 50 năm Tân nhạc thì những bài Suối Mơ, Bến Xuân là cực điểm của lãng mạn tính trong ca nhạc Việt Nam. Sẽ không bao giờ có những bài ca lãng mạn như thế nữa ! Sẽ có nhạc tình cảm tính, nhạc tình não tính, nhạc tình nhục tính và ảo tính nhưng không thể có thêm những bài nhạc tình lãng mạn nào hay hơn nhạc Văn Cao.
— Phạm Duy[24]
Bài Trường ca Sông Lô của Văn Cao là một tác phẩm vĩ đại. Thằng bạn này vẫn là một kẻ khai phá. Nó là cha đẻ của loại trường ca. Về hình thức, bài của nó chẳng thua gì bất cứ một tuyệt phẩm nào của loại nhạc cổ điển Tây Phương. Nét nhạc của trường ca rất mạnh khỏe, rất tươi sáng. Nhịp điệu vô cùng phong phú với những chuyển đoạn rất tài tình. Bài này đánh dấu sự trưởng thành của Tân nhạc.
— Phạm Duy[24]
Nếu Thiên Thai chỉ nằm trong một giọng Re (mineure và majeure) và Trương Chi chỉ chuyển nhịp, chuyển điệu trong hai giọng Re và Sol… thì Trường ca sông Lô có tới sáu lần chuyển âm (modulations) cũng như chuyển tiết tấu (changing rythmes). Trường ca sông Lô là bản hát dài đầu tiên của chúng ta là một tuyệt phẩm mà những người đi sau Văn Cao (như tôi) đã học hỏi được rất nhiều ở ông để tiếp tục làm giầu cho âm nhạc Việt Nam. Tôi muốn được công khai tỏ lòng biết ơn thiên tài Văn Cao trong buổi nói chuyện này.
— Phạm Duy[10]
Văn Cao là người đẻ ra trường ca, còn tôi chỉ là người thừa kế. Trường ca sông Lô phải là đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của tân nhạc Việt Nam nói chung. Sự dài hơi trong những câu nhạc trong bài chứng tỏ nhạc sĩ Văn Cao đã trưởng thành ngay từ lúc tân nhạc vừa mới ra đời.
— Phạm Duy[64]
Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư....
— Trịnh Công Sơn[13]
Hồi còn là một cậu thiếu niên, tôi đã từng ngâm nga Suối mơ, một trong những sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao, một ca khúc trữ tình lãng mạn, bay bổng những ước mơ cao đẹp. Nét nhạc nhẹ nhàng, duyên dáng như nét bút uyển chuyển của một họa sĩ tài năng vẽ nên những hình ảnh nên thơ “bên rừng thu vắng, dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng”. Lời ca trau chuốt gọt giũa như những câu thơ giàu nhạc điệu với nhiều hình tượng đẹp về “con suối róc rách”, “bóng cây thùy dương”, “đàn nai đùa trong khóm lá”... Ca khúc với hình thức ba đoạn đơn ABA’, giai điệu từ giọng “la thứ” nhẹ nhàng thơ mộng từ từ chuyển sang giọng “la trưởng” bay bổng thiết tha, rồi lại trở về giọng “la thứ”, tái hiện âm hình chủ đạo ban đầu để rồi kết thúc trọn vẹn ca khúc.
— Trương Quang Lục[65]
Văn Cao và Phạm Duy khác Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn là một người “hát thơ”, một nghệ sĩ tuyệt vời, ông là con người của đại chúng, được người dân thành thị hâm mộ nhất. Còn Văn Cao và Phạm Duy là con người của âm nhạc, người sáng tạo âm nhạc và cùng với một số bậc tiền bối khác đặt nền móng cho âm nhạc Việt Nam buổi đầu. Những người ấy ra đi nhưng âm nhạc của họ còn sống mãi. Nghệ thuật không chỉ có giá trị xã hội mà cái giá trị chính yếu của nó là giá trị văn hóa. Với văn hóa âm nhạc của ta, và cũng không chỉ với âm nhạc, các ông ấy là những người mở đường. Giá trị của họ cao hơn sự nổi tiếng rất nhiều. Chúng tôi và những người trẻ hơn đang kế thừa những giá trị đó.
— Nhạc sĩ Dương Thụ[66]
Văn Cao là một nhạc sĩ lớn, một nghệ sĩ bậc thầy trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật: âm nhạc, thơ ca, hội họa… Ông được tiếp xúc với âm nhạc phương Tây từ nhỏ khi học tại trường Bonnal, sau tại trường dòng Saint Josef (Hải Phòng). Cuối những năm 30 của thế kỷ XX, Tân nhạc Việt Nam đã ra đời, cùng với các nhạc sĩ như Lê Thương, Tô Vũ, Canh Thân, Hoàng Quý… Văn Cao tham gia vào nhóm “Đồng Vọng” của Hoàng Quý. Bài hát đầu tiên là Buồn tàn thu (1939), lúc đó Văn Cao mới 16 tuổi. Điều đặc biệt là tuy học nhạc phương Tây, nhưng Văn Cao ít chịu ảnh hưởng của âm nhạc lãng mạn Pháp, mà hướng giai điệu các bài hát của mình gần với âm nhạc dân tộc, màu sắc ngũ cung (khác với bảy âm trưởng – thứ [major – minor] của phương Tây), lấy chất liệu từ chèo, quan họ, xẩm, ca trù… để sáng tác những ca khúc đầu đời như: Thu cô liêu, Suối mơ, Trương Chi, Thiên thai (1941)...
— Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam[67]
Thời trai trẻ ở ông có hai mạch nguồn cảm xúc: trữ tình lãng mạn, hùng tráng hào sảng thông qua thực tiễn của hoạt động cách mạng, Văn Cao đã kết hợp để cho ra đời tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của mình, đó là Trường ca sông Lô - một thể loại mới trong âm nhạc Việt Nam (thể loại trường ca - hùng ca). Cùng với Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Du kích Sông Thao của Đỗ Nhuận, Bình Trị Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương, Bộ đội về làng của Lê Yên (thơ Hoàng Trung Thông), nhạc sĩ Văn Cao đã vượt lên những hình thức âm nhạc thông thường, ghi vào biên niên sử bằng âm thanh những tác phẩm thể loại lớn, in đậm dấu ấn sáng tạo, được công chúng đón nhận và sống mãi với thời gian.
— Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam[67]
Trong dòng âm nhạc cách mạng, Văn Cao là người đầu tiên chắp những đôi cánh lãng mạn, những ước mơ lớn vào các ca khúc, hành khúc chiến đấu. (...) Từ năm 1944 đến năm 1946 là một bước ngoặt lớn, một bước phát triển nhảy vọt của Văn Cao. Từ dòng lãng mạn lành mạnh – yêu nước hùng tráng, Văn Cao chuyển ngay sang dòng âm nhạc cách mạng, chuyển ngay sang dòng thác dữ dội của cách mạng giải phóng dân tộc. Chuyển một cách mau lẹ, tự nhiên, vững chắc, không qua một giai đoạn quá độ, không qua một giai đoạn mò mẫm “nhận đường”. (...) Với “Tiến quân ca”, lần đầu tiên Quân giải phóng Việt Nam chính thức có một hành khúc hùng tráng, trang nghiêm và lôi cuốn. Với “Tiến quân ca”, lần đầu tiên toàn thể các tầng lớp nhân dân Việt Nam có chung một hành khúc trên đường ra trận. Trước đó, chúng ta chỉ có những nhạc phẩm yêu nước của tuổi trẻ thủ đô, của thanh niên, học sinh, sinh viên và hướng đạo sinh. “Tiến quân ca” là cái mốc bằng vàng đánh dấu sự toàn thắng của âm nhạc cách mạng về cả tư tưởng lẫn về nghệ thuật.
— Nhạc sĩ Dân Huyền[68]
Càng nhìn ông tôi càng thắc mắc, làm sao trên đôi vai gầy guộc nhỏ bé ấy lại chở đến cho đời nhiều mùa xuân đầy ý nghĩa và đẹp đến thế. Mùa xuân cổ tích của Thiên thai, lãng mạn trong Bến xuân, hào hùng trong Tiến về Hà Nội, trong Sông Lô, và đoàn viên trong Mùa xuân đầu tiên... Cùng những mùa thu man mác đẹp lung linh của Thu trung du, Suối mơ, buồn thấm thía trong Buồn tàn thu, Thu cô liêu, Trương Chi... Âm nhạc của ông thật trong lành như chính con người ông vậy.
— Ca sĩ Ánh Tuyết[69]
Trong một chuyến cùng đi làm phim chân dung với nhà thơ Tế Hanh, khi máy bay đã lẫn vào những đám mây, Tế Hanh bỗng hỏi tôi: “Kha làm công tác âm nhạc, Kha nghĩ thế nào về bốn ông nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận và Văn Cao?”. Vốn đã ngẫm nghĩ về tứ trụ này từ lâu, tôi trả lời: “Văn Cao là trời cho. Đỗ Nhuận là đời cho. Nguyễn Xuân Khoát là người cho. Lưu Hữu Phước là thời cho”. Tế Hanh cười: “Được. Hay lắm. Mình đã từng nghĩ như thế, nhưng chưa rút ra gọn như vậy”.
— Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha, một nhà “Văn Cao học” và cũng là bạn vong niên của Văn Cao.[70]
Nếu chỉ có Trịnh Công Sơn thì âm nhạc Việt Nam cũng có gì như còn méo mó và ốm yếu. Nhưng nếu chỉ có âm nhạc hùng tráng mà thiếu Trịnh Công Sơn thì nền âm nhạc các anh vẫn không thể gọi là hoàn thiện được, vì nó vẫn thiếu một mảng rất cần thiết cho đời sống riêng tư của mỗi con ng­ười... Nhưng cũng phải thành thật mà nói rằng, nhạc Trịnh nghe lẻ từng bài thì hay. Nhưng nghe cả một cuộn băng thì lại thấy mệt vì đơn điệu. Ông Văn Cao của các anh đa dạng hơn nhiều, phong phú hơn nhiều, mặc dù so với Trịnh Công Sơn, ông ấy viết rất ít.
— Frank Gerke[71]

Trong thơ ca

Tôi rất phục cách dùng chữ trong thơ Văn Cao, bởi vì chữ ông dùng không câu nệ vần điệu, không dùng những chữ quen mà toàn dùng những chữ mới. Nó vừa dễ hiểu nhưng để ngẫm hết ý thì lại khó. Có bài Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc viết năm 1945 về nạn đói khiến người ta nhớ mãi. Còn những bài viết theo không khí tiền chiến thì được xếp vào những bài thơ hàng đầu của tiền chiến.
— Nhà thơ Vũ Quần Phương[72]
Tôi đã nhiều lần nhìn ngắm Văn Cao ngồi im lặng: ông có thể ngồi suốt ngày với một tư thế như vậy, với một tâm thế như vậy. Những lúc ấy, tâm tưởng ông liên tục du hành trong thời gian, trong những không gian tưởng tượng. Chính khả năng cô đặc thời gian, khả năng "tích trữ lương thực" cho tinh thần, cho tâm hồn đã đưa tới những bài thơ cô đặc mà Văn Cao từng ủ bao nhiêu năm trong những cuốn sổ tay nhỏ nhít của ông. Ủ như người ta ủ những hạt mầm. Bản thân những hạt mầm cũng là sự cô đặc thời gian, sự kiên nhẫn với thời gian. Đọc thơ Văn Cao giờ đây, tôi như thưởng thức được từng chấm sáng lấp lánh của thời gian qua từng con chữ. Nhiều khi, thơ cũng phải biết tự dè sẻn như thế, tự làm nhỏ mình lại như thế, biết kiên nhẫn như thế. Như những hạt mầm. Những hạt mầm của thời gian.
— Nhà thơ Thanh Thảo[73]
Đọc lại thơ Văn Cao trong một ngày đông lạnh, tôi thấy số phận thật đa đoan: người nghệ sĩ ấy lại hóa thiệt thòi vì quá tài hoa. Nếu sự nghiệp âm nhạc của ông không lớn đến như thế, thì có lẽ người ta sẽ chú ý hơn tới thơ ca để nghe thấy một tiếng nói khác, giống như tiếng "người khổng lồ kêu thét suốt ngày đêm", giống như tiếng sóng biển từng ám ảnh suốt cả đời ông... Ở ca khúc, mùa xuân trong sáng, có thể nói là "trong suốt". Còn mùa xuân trong thơ Văn Cao luôn mang một vẻ u uất - có lẽ đó cũng là nét khác thường so với cái "mã" của mùa xuân thông thường được coi là khoảnh khắc tươi trẻ nhất trong sự luân hồi của thời gian... Như vậy, không thể đơn giản giải thích không khí u uẩn bao trùm thơ xuân Văn Cao bằng hoàn cảnh xã hội. Có thể nói vì nhạc của Văn Cao chủ yếu được sáng tác thời trẻ, còn sau này ông coi "Nhạc là mối tình đầu bị phản bội" chăng? Cũng có thể vì nhạc của Văn Cao hướng ngoại, còn thơ là nơi "tôi đi qua tôi", là "một nửa mặt" của thi nhân đầy mâu thuẫn như biển trong thơ ông, tràn ngập mênh mông nước, vậy mà vẫn "thành người khổng lồ kêu khát suốt ngày đêm"?
— Đặng Anh Đào[74]
Trường ca là một hiện tượng lớn và cực kì phong phú. Và trường ca không phải là độc quyền của thơ. Trong văn xuôi cũng có trường ca, ví như Những linh hồn chết của Gogol, rồi Trường ca bằng văn xuôi trước Cách mạng của Xuân Diệu, trong nhạc, ở ca khúc, cũng có trường ca, chẳng hạn Sông Lô của Văn Cao, Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận, Bình Trị Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương... (...) Trước kia chủ thể trường ca hầu như không xuất hiện với tư cách một cái tôi cá nhân, một nhân vật được khách thể hóa trong văn bản trường ca. Nhưng về sau đã có biến đổi. Ở ta, có lẽ từ Những người trên cửa biển của Văn Cao trở đi, với cái câu mở đầu rất tiêu biểu: “Tôi sinh ra đã có Hải Phòng”, người ta thấy cái tôi của người viết trường ca không chịu đứng ngoài, nấp sau nữa, nó đã trở thành một “nhân vật” trong trường ca. Nghĩa là người viết không còn đứng ở bên trên như “người kể chuyện toàn năng” nữa, mà tham gia vào mạch trường ca như một “mảnh ghép của lịch sử”, nghĩa là như một số phận gắn bó với lịch sử, như một nhân chứng, một kẻ trong cuộc, thậm chí người tham gia làm nên những chấn động lịch sử ấy, và giờ đây đang trực tiếp thụ hưởng hoặc hứng chịu những chấn động ấy. (...) Theo tôi, kể những tác phẩm trường ca mà sự xuất hiện của nó gây thành ấn tượng lớn, có tầm ảnh hưởng, hoặc cắm một cái mốc nào đó đối với sự phát triển của thể loại là phải kể: Từ đêm 19 của Khương Hữu Dụng, Những người trên cửa biển của Văn Cao,...
— Nhà nghiên cứu phê bình văn học Chu Văn Sơn[43]
Nếu nhạc của Văn Cao đưa con người vào cõi mộng, thì thơ Văn Cao xoáy vào thực tại cuộc đời: phần đời thực với Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Ngoại ô mùa đông 1946, Những người trên cửa biển và phần nội tâm sâu xé của con người mất tự do, trong các bài thơ ngắn, cô đọng và đau thương, như những giọt nước mắt không rơi ngoài tim mình như lời thơ Thanh Tâm Tuyền... Cúi xuống những lầm than của kiếp người, Văn Cao là người duy nhất để lại những hình ảnh kinh hoàng của trận đói tháng 3 năm Ất Dậu. Nếu không có Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, thì chúng ta không thể hình dung cảnh xe xác lăn trong xóm cô đầu của một Hà Nội bán linh hồn...
— Thụy Khuê[75]
Người ta biết đến Văn Cao không chỉ có thơ, mà còn có nhạc, hoạ, kịch... Thành công của Văn Cao chưa hẳn là thơ nhưng chính thơ lại góp phần hiển lộ tính chất đa tài của Văn Cao. Và cũng chính thơ đã cho thấy sự nhất quán trong tư tưởng nghệ thuật của ông. Đó là tư tưởng của một nghệ sĩ luôn phóng chiếu sự sáng tạo của mình trên đôi cánh của chủ nghĩa siêu thực và hiện thực. Tâm thức "trôi" trong Thơ Văn Cao chính vì thế cũng chính là tâm thức "trôi" trong hoạ, trong nhạc với những tình khúc bất tử như Buồn tàn thu, Bến xuân, Trương Chi, Suối mơ, Thiên thai... Nhiều lời trong các bài nhạc của ông cũng đầy chất thơ mà mỗi khi hát lên luôn tạo cho ta cảm giác nao lòng như đang trôi trong cõi phiêu bồng vô định của cuộc đời... Song tâm thức "trôi" trong thơ Văn Cao tuy nhuần thấm lẽ vô thường và bồng bềnh trong hư vô bất định nhưng không bao giờ lạc hướng. Ngược lại ông luôn thể hiện chủ kiến của mình trước cuộc đời. Với lẽ sống cao đẹp của người nghệ sĩ, ông luôn nêu cao ý thức trách nhiệm công dân trước xã hội và nhân dân. Và đây chính là cảm hứng chủ đạo để Văn Cao viết những bài thơ mang hơi thở nóng hổi của hiện thực cuộc sống như: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Ngoại ô mùa Đông 1946, Quy Nhơn 3, trường ca Những người trên cửa biển...
— Trần Hoài Anh[76]
Nếu như âm nhạc Văn Cao đã được khẳng định ở vị trí số một Việt Nam trong thế kỷ XX thì các lĩnh vực sáng tác khác, là họa và đặc biệt là thơ của ông dường như chưa có sự nghiên cứu thấu đáo... Giờ nhìn lại sự nghiệp thơ Văn Cao, ta không khỏi ngạc nhiên, khi chỉ trong hơn 10 năm kể từ khi có tác phẩm thơ đầu tiên, từ một nhà lãng mạn cuối mùa, ông đã làm một hành trình dài lao thẳng vào hiện đại như một cánh chim xuyên qua bão táp của những thành kiến trong thời đại mình để trở thành một nhà tiên phong, mở ra một cánh cửa mới cho thơ hiện đại Việt Nam, mà cho đến nay chúng ta chưa đi hết cung đường mà ông đã vạch ra. Ngọn lửa thơ của Văn Cao sung sức và bùng cháy nhất chính ở thời điểm ông viết trường ca Những người trên cửa biển năm 1956. Cảm xúc sôi trào. Ý tứ sắc sảo. Câu thơ hoạt. Hình tượng thơ gây nhiều ám ảnh. Từ thời điểm này về trước, Văn Cao thiên về cảm xúc, cảm giác và những hình ảnh lãng mạn. Sau thời điểm này, Văn Cao chuyển dần sang ẩn dụ, tượng trưng với những hình ảnh biểu tượng hết sức sâu sắc và những suy tư mang nhiều cay đắng.
— Thiên Sơn[77]
Cuối những năm 30, đầu những năm 40 thế kỷ trước, phong trào Thơ mới bắt đầu cạn dần dòng chảy của nó. Những sáng tác đầu tiên của Văn Cao (bài thơ đầu tiên giữ lại được ghi sáng tác năm 1939) chịu ảnh hưởng của tư duy Thơ mới, nhưng lối dùng chữ vẫn còn nặng về Hán Việt, nhạc thơ còn chưa thật nhuần nhuyễn. Nhưng, chỉ khoảng 1 năm sau, khi ông viết Một đêm đàn lạnh trên sông Huế (1940) thì độ điêu luyện, mượt mà đã không kém các bậc đàn anh trong Thơ mới trước đó. Và cũng chỉ mấy năm sau, ông viết Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc thì không chỉ độ điêu luyện đã lên đến đỉnh, mà còn cho thấy một cách nhìn, cách miêu tả hiện thực đến tận cùng trước thảm họa khủng khiếp của dân tộc ta trong nạn đói năm 1945. Đó là thời điểm Văn Cao đã hoàn toàn vượt qua ảnh hưởng của Thơ mới và nghiêng theo chủ nghĩa hiện thực. Nhưng rồi sau đó, Văn Cao chủ yếu chuyển sang nhạc, liên tiếp giành được những thành tựu lớn trong âm nhạc, còn đường thơ thì dần trở nên thưa thớt.
— Thiên Sơn[77]
Trừ một số bài thơ dài, mà trường độ cảm xúc và tính khái quát không thua kém những trường ca, về cơ bản, thời kỳ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, thơ Văn Cao trở nên ngắn gọn, cô đúc. Ông tìm sự liên kết trong ý tứ, hình ảnh, trong nhạc điệu, tức là sự liên kết từ bên trong chứ ít khi sử dụng những vần điệu vang vọng. Hình ảnh trong thơ ông thường biến nghĩa, cấu trúc câu cũng linh hoạt khơi gợi sự ngẫm ngợi. Hầu hết thơ ông quãng sau nghiêng về nghĩa bóng, mỗi bài thơ đặt ra những thách thức bí ẩn khiến người đọc phải giải mã điều thực sự nhà thơ muốn nói phía sau mỗi câu từ. Dù không sáng tác nhiều thơ (khoảng 60 bài thơ và 1 trường ca), Văn Cao cũng đã ôm chứa trong ông bước dịch chuyển lớn lao mang dấu ấn của hơn nửa thế kỷ tìm đường của thơ Việt. Từ một nhà lãng mạn, Văn Cao đã nỗ lực để trở thành một nhà thơ hiện thực, từ một nhà hiện thực, Văn Cao đã tiến thêm một bước vào lãnh địa của thơ tượng trưng. Trong thơ ông người ta tìm thấy cả dấu ấn thân phận nhà thơ, lẫn nỗi cay đắng của một lịch sử đầy gấp khúc.
— Thiên Sơn[77]
Văn Cao quả là một người tài hoa có một. Đến lúc Văn Cao nổi tiếng về nhạc và vụ ám sát Đỗ Đức Phin, người ta mới giở lại những bài thơ anh đăng tải trên Tiểu thuyết thứ bảy và một loạt tờ báo khác, và đến lúc ấy người ta mới thấy thơ Văn Cao cũng hay như nhạc của anh. Chẳng qua chỉ vì Văn Cao không quan niệm cái gì là quan trọng, không kéo bè kéo đảng để đưa nhau lên, suy tôn nhau là thi hào “lớn”, văn sĩ “lớn” nên lúc bước vào làng văn nghệ anh không được quảng cáo nhiều, do đó thơ anh bị chìm.
— Nhà văn Vũ Bằng[78]
Thơ ông đẹp một cách quyết liệt. Thơ ông thật đến siêu thực. Thơ ông mới bất ngờ như mầm cây vừa đội đất trồi lên.
— Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo[78]
Những ngày tháng Văn Cao đã sống, cứ đổ cái bóng gầy hắt hiu và trắc ẩn vào lòng công chúng, mà những bài hát của ông không lý giải được, những bức tranh của ông cũng không lý giải được. Chỉ còn lại thơ, xoa dịu và tỏ bày giùm Văn Cao. Từ những bài thơ đầu tiên viết năm 1939 đến bài thơ cuối cùng “Tôi ở” viết tháng 8-1994, Văn Cao có di sản khoảng chừng 60 bài, nhưng vẫn hiển lộ đầy đủ một chân dung nhà thơ khắc khoải với khát vọng lớn lao “tới bao giờ tôi gặp được biển?”. Trong sự mến mộ của công chúng phổ thông, chân dung nhạc sĩ Văn Cao luôn khỏa lấp chân dung nhà thơ Văn Cao, bởi lẽ cảm giác xao xuyến thường lấn lướt nhận thức sâu xa.
— Lê Thiếu Nhơn[58]
Tuy nhiên, bài thơ “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” và bài thơ “Ngoại ô mùa đông 1946” chỉ tạo đà cho khoảnh khắc nhảy vọt trong thơ Văn Cao, đó là sự ra đời của trường ca “Những người trên cửa biển” viết vào mùa xuân 1956, giúp cán cân thơ – nhạc có thành tựu tương đương. Với bốn chương chia làm 16 khổ thơ, trường ca “Những người trên cửa biển” được viết trên tinh thần “Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhỏ lại / Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi”. (...) Thử thách thể loại trường ca đòi hỏi sức cảm sức nghĩ phi thường, cũng chính là cơ hội phô diễn một Văn Cao tài năng cồng kềnh.
— Lê Thiếu Nhơn[58]
...Và cho đến nay, công chúng vẫn chỉ biết đến Văn Cao nhạc sĩ và Văn Cao họa sĩ, còn Văn Cao thi sĩ thì chỉ những người quen thân và trong làng văn biết rõ mà thôi! Thực ra, Văn Cao đồng thời sáng tác cả nhạc, thơ và hội họa. Người đời còn ít biết đến thơ của Văn Cao vì nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là trong nhiều năm (có đến gần 30 năm, từ khoảng 1957 đến 1985), thơ Văn Cao không được xếp vào “dòng chảy chính thống” của thơ ca Việt Nam hiện đại. Phải chờ đến thời kỳ “đổi mới tư duy”, những giá trị lớn lao của thơ Văn Cao (cũng như nhạc Văn Cao) mới được “hợp pháp hóa” ! Riêng về chuyện này, có thể nói Văn Cao là một điển hình của một mẫu người nghệ thuật đa tài, đa năng và đa nạn. Nhưng chính qua sự “thử lửa” đó của cuộc đời, cốt cách thi nhân của Văn Cao đã trở thành vàng nguyên khối, bản lĩnh thi nhân của Văn Cao càng lớn, sức sống của thơ Văn Cao càng mạnh mẽ…
— Đỗ Ngọc Thạch[59]
Văn Cao đã viết trường ca “Những người trên cửa biển” năm 1956. Sau này trên thi đàn của ta một độ nở rộ những trường ca. Nhưng có thể thấy Văn Cao đã sớm là một người khai sơn phá thạch ở thể loại này.
— Vũ Nho[78]

Trong hội họa

Ở Văn Cao tiếng vọng hoài niệm như một vẻ đẹp có thẩm mỹ siêu thực, theo tôi là một ẩn hiện di truyền lác đác trong cả cuộc đời nghệ sĩ đẹp đẽ của anh... Nhưng cái nhìn hội họa ở anh có địa vị dẫn đường và chi phối: Chính Văn Cao và vài ba người nữa (Bùi Xuân Phái, Sỹ Ngọc, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng...) vào những năm 60 đã mở hướng thẩm mỹ mới cho minh họa và đồ họa... Có thể nói Văn Cao đã lập được một trường phái minh họa và bìa sách. Nhiều minh họa của anh trên báo Văn Nghệ phải gọi là xuất sắc... Nếu âm nhạc, thơ ca là một bản thể tươi tốt của anh, thì hội họa là một tâm thức sâu sắc. Văn Cao có cái nhạy bén về cảm xúc tinh tường trong quan sát...
— Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân[79]
Tôi có duyên may được ông trình bày cho bìa sách cuốn "Nam Cao, nhà văn hiện thực xuất sắc" do Nhà xuất bản Văn hóa in năm 1961. Bìa giản dị, đẹp, chữ sang trọng. Anh Văn Tâm có lần khoe với tôi chân dung được Văn Cao vẽ tặng. Tôi nói với anh: "Các bậc tài hoa này nếu bớt đi tửu lượng thì có thể tài năng phát triển nhiều hơn chăng?".
— Nhà nghiên cứu văn học Hà Minh Đức[35]
Minh họa báo chí là một loại hình rất phụ của mỹ thuật và quy mô thường nhỏ lẻ không thường xuyên liên tục. Thế nên để có được một họa sĩ minh họa đều tay, có cá tính là việc rất khó. Ngôn ngữ của loại hình này bó buộc vì khuôn khổ bức vẽ, vì sự thẩm thấu tác phẩm văn chương báo chí thông qua việc đọc và hơn hết vì cá tính sáng tạo mang nét đặc trưng riêng biệt. Đã có một thời nhiều người bắt chước ông Văn Cao, vẽ minh họa giống đến mức nếu không có chú thích bên dưới thì rất khó phát hiện. Ông Văn Cao là người vẽ minh họa thành công nhất không phải bởi tay nghề mà chính vì đặc thù bay bổng lãng mạn và cách bố cục mảng miếng đen trắng tạo mỹ cảm rất riêng biệt.
— Họa sĩ Đỗ Phấn[80]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Văn_Cao http://www.phamduy2010.com/nhacthuat/gauthier/chuo... http://trannhuong.com/tin-tuc-14892/van-cao-mot-th... http://vanhaiphong.com/ly-luan-phe-binh/226-nha-th... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb123030100 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb123030100 http://www.idref.fr/118198777 http://vi.rfi.fr/tong-hop/20100411-nhan-van-giai-p... http://id.loc.gov/authorities/names/n94077885 http://d-nb.info/gnd/129018961 http://www.tanvien.net/Tuong_niem/why_tqc.html